Nhà văn Sơn Nam và Nhà thơ Kiên Giang lần lượt đi về cõi vĩnh hằng được an nghỉ ở Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương. Hai ngôi mộ của hai con người nổi tiếng một thời nằm gần nhau trong khu Hoa viên dành cho giới văn nghệ sĩ, trí thức là một ưu ái của Ban giám đốc hoa viên nhằm tri ân họ.
Vừa rồi, có dịp trở lại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương với đoàn Viện lịch sử dòng họ TP HCM, tôi lại được Ban Giám đốc mời đi viếng các nơi nổi tiếng của nghĩa trang, có công trình đã hoàn thành, có dự án còn dang dở. Nhưng tất cả đều nói lên sự quan tâm đặc biệt của HVNT Bình Dương. Khi viếng hai mộ Sơn Nam và Kiên Giang, ai nấy đều bùi ngùi chụp ảnh lưu niệm để tưởng nhớ hai văn nghệ sĩ đáng bậc “trưởng thượng” của làng văn thơ đương đại miền Nam.
Còn nhớ hai anh đều sinh hoạt chung với nhóm làm báo Sài Gòn một thời vang bóng trước 1975 chuyển sang tới sau 1975 những 40 năm. Hai anh sống qua chẳng những ở hai thời kỳ trước và sau 1975, mà đúng ra còn có thêm thời kỳ kháng chiến chống Pháp trước đó nữa. Sự nghiệp báo chí của hai anh có lẽ bắt đầu từ hồi về thành sau năm ra đời của hiệp định Genève 1954. Cả hai anh là đồng hương đều sinh quán ở làng Đông Thái huyện An Biên tỉnh Rạch Giá xưa nay là tỉnh Kiên Giang, tham gia kháng chiến đánh Pháp thời 9 năm (Nam Bộ kháng chiến 1945-1954).
Do một kỳ duyên hội ngộ, tôi gia nhập nhóm của các anh vào những năm 1965, từ một nhà giáo ở tỉnh về, được giới thiệu với anh Ngọc Linh – người đứng đầu nhóm. Chính anh Ngọc Linh – nhà văn kiêm soạn giả cải lương có uy tín trong làng báo và chính anh đứng ra lãnh làm các phụ trang văn học nghệ thuật cuối tuần của các báo mà có đất cho anh em trong nhóm “dụng võ” để kiếm sống. Rất tiếc anh Ngọc Linh qua đời sớm vào năm 2002 (1931-2002) đang là Phó Tổng biên tập tuần báo Sân Khấu TP HCM. Anh rất xứng với cái tên thật là Dương Đại Tâm. Sự nghiệp văn thơ, kịch nghệ của anh rất đồ sộ. Một dịp khác tôi sẽ nói nhiều về người anh cả đại tâm này.
“Nhóm Ngọc Linh” có trên dưới mười anh em liên kết với một số anh em đang làm báo có chức danh gần mười anh em nữa như Lý Bình Hiệp, Vân Hà, Quốc Phượng, Ngô Tỵ… Trong số hàng chục anh em này đến từ nhiều nguồn, nhiều nơi với nhiều nhiệm vụ “ẩn danh” khác nhau rất tâm đầu ý hợp vì cùng chiến đấu bằng ngòi bút trong môi trường “nội đô” đầy sóng gió, hiểm nguy, sợ bị địch phát hiện và bị bắt bất cứ lúc nào. Tất cả đều sống rải rác khắp nơi trong thành phố, cả nội lẫn ngoại thành. Cứ buổi chiều chia tay thì buồn hiu vì không biết số phận qua đêm ra sao. Tới buổi sáng gặp lại nhau thì vui mừng biết còn đầy đủ. Từ đó tới sau ngày cao điểm 10/10/1974 (Ngày ký giả đi ăn mày) thì bị rả đám, có hơn mười anh em trong nhóm bị địch giam cầm cho tới ngày 30/4/1975 như Sơn Nam, Quốc Phượng, Lê Hiền…
Sau năm 1975, có chính quyền mới, chế độ mới, nhóm lại tập họp sinh hoạt ở các báo cách mạng và khi về hưu thì vào câu lạc bộ TTKH khối Báo chí TP HCM. Ở đây, hàng năm đều có hai lần họp mặt liên hoan : vào dịp tất niên do Hội nhà báo tổ chức và vào dịp kỷ niệm Ngày ký giả đi ăn mày do CLB TTKC khối báo chí mời dự. Từ khi “Nhóm Ngọc Linh” không còn Ngọc Linh thì anh Kiên Giang, Quốc Phượng, Lê Hiền, Ba Giám, Nguyễn Khắc Cần trong Ban chủ nhiệm CLB phụ trách. Sơn Nam có đến dự. Rồi anh Quốc Phương, Nguyễn Khắc Cần lần lượt ra đi. Lê Hiền bệnh tới nay sau khi Sơn Nam ra đi. Kiên Giang chủ xị họp mặt. Sơn Nam đi trước về với Hoa viên nghĩa trang. Kiên Giang làm thơ tặng bạn hiền có bốn câu nhưng câu cuối lại bỏ trống hai chữ đầu, như sau :
Sống thì xuôi ngược bôn ba
Chết nằm đất nghĩa, vẫn là cố hương.
Đây Bến Cát – tỉnh Bình Dương
…… vào giấc mộng ngàn thu !
Khi làm tặng bạn bốn câu thơ này, chắc chẳn Kiên Giang quá xúc động nên bỏ trống hai chữ đầu câu cuối. Nhưng đọc lại, tôi nghĩ nhà thơ Kiên Giang cố tình không nói ra hai chữ đó vì chưa tiện nói. Đó chính là hai chữ “Cùng đi” để ám chỉ cho mình là “cùng đi” vào đất nghĩa Hoa viên nghĩa trang. Ông chủ hoa viên đã hiểu ý nhà thơ Kiên Giang.
Nay thì bốn câu thơ của nhà thơ Kiên Giang tặng bạn đã rõ ràng hiện thực là chính mình làm để tặng mình và hứa trước với Sơn Nam là mình sẽ cùng đi với bạn và nằm chung giấc ngủ ngàn thu bên cạnh bạn chớ không để bạn lẻ loi đâu !
Cùng với ý nghĩa của bài thơ tặng Sơn Nam, nhà thơ Kiên Giang còn tự làm tặng cho mình bốn câu thơ như sau và được khắc lên phiến đá dựng bên cạnh mộ phần của anh :
Trận đời trăm nẻo xông pha
Về nằm đất nghĩa vẫn là quê hương.
Từ Rạch Giá về Bình Dương
Trận nào cũng có vấn vương nghĩa tình.
Vương Liêm
Tổng hợp: https://cphaco.vn/